Monday 22 October 2012

Bệnh ngáy ...

Chúng ta thông cảm nỗi đau khổ của các cặp vợ chồng có người phối ngẫu đêm nào cũng ngáy như gọi đò sang sông. Một phụ nữ trẻ giải thích lý do tại sao đòi ly hôn sau một thời gian ngắn ngủi làm vợ một ông chồng có tật ngáy quá to: ”Nằm bên cạnh một người ngáy chẳng khác nào nằm ngủ bên cạnh một xe hủ lô đang chạy!” Các số liệu thống kê xác nhận rằng hơn một nửa dân số trên thế giới thỉnh thoảng ngáy trong khi ngủ và tiếng ngáy trở nên thường xuyên hơn nơi 1/5 nam giới sau 30 tuổi. Mặc dù đa số chúng ta xem thường và có khi lại cho đó chỉ là chuyện vui vui (ca dao ta có câu “Nửa đêm chồng ngáy o o; vợ thương vợ bảo ngáy cho vui nhà”) và rất ít người quan tâm đến các khía cạnh bệnh lý của tiếng ngáy, nhưng coi chừng, các chuyên gia báo động rằng tật ngủ ngáy là một thứ bệnh nguy hiểm có thể giết người … đang ngáy. Giáo sư Iouri Roussetski (chuyên khoa tai-mũi-họng tại trường đại học y Setchenov ở thủ đô Mạc-Tư-Khoa của nước Nga) giải thích: “Bệnh ngủ ngáy chỉ là một tiếng ồn, nhưng trong đa số các trường hợp lại kèm thêm hội chứng ngừng thở khi ngủ (Obstructive Sleep Apnea Syndrome: OSAS) rất nguy hiểm vì bệnh nhân không thể tự nói được (vì đang ngủ) rằng mình đang ngừng thở nên cơ thể lâm vào tình trạng bị thiếu oxy. Cho nên những người có tật ngủ ngáy phải được theo dõi thật sát bệnh trạng và phải tham khảo ý kiến của bác sĩ ngay. Không nên xem thường bệnh ngủ ngáy vì đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong mặc dù không trực tiếp, mà nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng là do hội chứng OSAS: tại thời điểm khi bệnh nhân ngừng thở, nên cơ thể thiếu oxy, thì nguy cơ đột quỵ và truỵ tim sẽ tăng lên rất đáng kể, và có thể đưa đến cái chết”. Một khoá học về chẩn đoán và điều trị những rối loạn hô hấp trong khi ngủ vừa được tổ chức lần đầu tiên tại Nga, với sự hiện diện của bác sĩ Eugene Kern là một chuyên gia giải phẫu nổi tiếng người Mỹ thuộc Mayo Clinic. Trong vòng 3 ngày, các bác sĩ của Nga từ những vùng Kazachstan, Belarus và Ukraina sẽ được học hỏi những phương pháp trị liệu hiện đại của bệnh ngủ ngáy bằng cách giải phẫu trực tiếp.
Tại Nga, mỗi năm có hàng ngàn cuộc giải phẫu được thực hiện một cách vô ích và vô lý để chữa bệnh ngủ ngáy, nhiều khi có thể đưa đến những hậu quả bi thảm. Theo Gs Roussetski, phẫu thuật đễ chữa bệnh ngủ ngáy chỉ cần thiết khi nào tiếng ngáy quá to phát sinh từ một khuyết tật của cơ thể, ví dụ như sửa lại độ lệch của vách ngăn mũi. Còn nếu tiếng ngáy không quá lớn thì chỉ cần vài cách tập luyện là đủ; tập cơ vòm khẩu cái, lưỡi và hàm bằng cách phát âm các phụ âm một cách mạnh mẽ (kết quả rất khả quan chỉ sau 3 hoặc 4 tuần tập luyện các cơ miệng). Có thể điều trị thêm bằng sóng vô tuyến hoặc tia laser kèm theo các tập luyện, nhưng chỉ các bác sĩ về tai-mũi-họng hoặc các chuyên gia về giấc ngủ mới có thể chọn các phương pháp điều trị thích ứng với bệnh nhân. Ngoài ra có nhiều trường hợp bệnh ngủ ngáy tự nhiên chấm dứt mà không cần đến các chuyên gia nếu bệnh nhân “chịu khó” giữ một lối sống lành mạnh nghĩa là tránh lên cân, bữa ăn tối phải cách ít nhất ba giờ trước khi đi ngủ, không hút thuốc lá trước khi đi ngủ, tránh uống quá nhiều rượu và, nếu có thể, nên dùng một cái gối chỉnh hình đặc biệt để ngủ.
Gs Roussetski cũng khuyên nên đề phòng những quảng cáo nhảm nhí thường gặp nhan nhản trên các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc trên internet, ví dụ như “trị dứt bệnh ngủ ngáy chỉ trong vòng một tuần”.  (BV)


1 comment:

  1. http://khoahocnet.com/2012/10/22/bich-van-lam-the-nao-de-dung-ngay-khi-ngu/

    ReplyDelete